Thứ Năm, 6 tháng 4, 2023

HỆ THỐNG ĐIỀU HÒA Ô TÔ ĐIỆN VINFAST ?

 Hỏi: Tôi đã đọc bài viết so sánh sự khác nhau giữa điều hòa ô tô điện và ô tô truyền thống của Dr. COOL. Xin Dr. COOL cho biết thêm một số thông tin về điều hòa ô tô điện Vinfast.

Dr. COOL: Về tổng thể thì nguyên lý làm việc cũng như cấu tạo của hệ thống điều hòa không khí trang bị trên ô tô điện Vinfast không có gì khác biệt so với hệ thống điều hòa không khí của các loại ô tô điện khác trên thế giới mà  chúng tôi đã trình bày trong bài viết https://www.blogger.com/blog/post/edit/9120634294016172784/3554120337372879250.

Nhằm đáp ứng yêu cầu của các đối tượng sử dụng khác nhau, mỗi kiểu loại ô tô điện Vinfast sẽ lại có các phương án trang bị điều hòa không khí khác nhau như về số lượng vùng nhiệt độ, cách thức làm nóng không khí, thiết bị phụ trợ….

Để giữ cho giá thành của loại ô tô điện bình dân không quá cao, Vinfast thường trang bị cho loại xe này hệ thống điều hòa ô tô một vùng nhiệt độ và sưởi nóng bằng thanh điện trở.


Ở các loại xe điện đắt tiền hơn như VF 8,
VF9, người ta trang bị hệ thống điều hòa ô tô 2 vùng nhiệt độ. Với hệ thống này, người ngồi ở bên trái và phải của hàng ghế đầu có thể tự chỉnh đặt nhiệt độ từng bên phù hợp với nhu cầu của mình. Việc sưởi nóng không khí trên loại xe này được thực hiện theo nguyên lý bơm nhiệt (xin xem thêm bài viết https://www.blogger.com/blog/post/edit/9120634294016172784/3554120337372879250), do đó cho phép nâng cao hiệu suất công tác của hệ thống điều hòa ô tô và giảm tải cho pin. Đối với phiên bản cao cấp VF9 Plus, số vùng nhiệt độ  được tăng từ 2  lên 3 vùng. Vùng nhiệt độ thứ 3 được trang bị thêm tại hàng ghế thứ 2 của xe.

Ngoài ra, hệ thống điều hòa ô tô VF8 và VF9 còn được tích hợp thêm một số tính năng như: thiết bi làm sạch không khí bằng Ion, sưởi tay lái….

Việc  tắt bật, hiệu chỉnh hệ thống điều hòa ô tô điện Vinfast được thực hiện thông qua một màn hình cảm biến lớn đặt giữa bảng Tablo. Ngoài cách điều khiển bằng tay thì ta cũng có thể đưa ra các lệnh bằng giọng nói. Chức năng này sẽ hạn chế người lái bị ảnh hưởng khi điều khiển xe trên đường.

Dr. COOL

Hà nội, ngày 06 tháng 04 năm 2023

Ngõ 230 Lạc Trung, Hà Nội - Tel 024. 3987 3095/ 0983 656 612

Từ khóa: điện lạnh ô tô/ điều hòa ô tô không mát- không lạnh/ điều hòa ô tô có mùi hôi- mùi chua/ tiếng kêu điều hòa ô tô/ sửa chữa điều hòa ô tô/

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2023

SO SÁNH HỆ THỐNG ĐIỀU HÒA KHÔNG KHÍ TRÊN Ô TÔ ĐIỆN VÀ Ô TÔ TRUYỀN THỐNG

 Hỏi: Xin Dr COOL cho biết Hệ thống điều hòa không khí trên ô tô điện có khác so với hệ thống trên các loại ô tô truyền thống không?
Dr. COOL: Đây là câu hỏi được khá nhiều bạn đọc đưa ra gần đây.
Giữa hệ thống điều hòa không khí của ô tô truyền thống và ô tô điện có khác biệt. Sự khác biệt lớn nhất  giữa chúng chính là nguồn cung cấp năng lượng.  Nguồn năng lượng cung cấp cho hệ thống điều hòa ô tô truyền thống từ việc làm lạnh, sưởi ấm, quạt gió… đều lấy từ động cơ đốt trong còn ở ô tô điện thì nguồn năng lượng này là điện lấy từ ắc quy.

Làm lạnh không khí

Về bản chất, nguyên lý làm lạnh không khí  ở cả hai loại ô tô điện và ô tô truyền thống tương tự nhau và giống như ở tủ lạnh gia đình. Ga lạnh được  máy nén bơm lưu thông tuần hoàn trong hệ thống. Trong quá trính lưu thông, tùy theo kết cấu, chức năng của từng bộ phận trao đổi nhiệt, ga lạnh sẽ thay đổi trạng thái  của nó, từ lỏng sang hơi và ngược lại, đồng thời sẽ hút hoặc truyền nhiệt cho các vật và môi trường xung quanh.

Điều khác biệt cơ bản của hệ thống làm lạnh trên hai loại xe ở chỗ: ô tô điện thì sử dụng điện để làm quay máy nén còn  ô tô truyền thống thì lại là động cơ chạy bằng xăng hoặc dầu diesel.

Sưởi nóng  không khí

Hệ thống sưởi của ô tô truyền thống thường sử dụng nguồn nhiệt lấy từ dung dịch làm mát động cơ xe; Ở một số loại xe, nhiệt độ của dung dịch làm mát có thể lên tới trên 100 ºC. Khi đi qua  két sưởi, dung dịch làm mát nhiệt độ cao sẽ truyền nhiệt và làm nóng không khí thổi qua két.  

Trong khi đó, ở ô tô điện, nguồn năng lượng để làm nóng không khí là điện được cấp từ ắc quy và  có các cách thức chính như sau:

a.    Sưởi nóng bằng các thanh điện trở: két sưởi ở đây được chế tạo từ nhiều thanh điện trở ghép với các tấm tản nhiệt bằng kim loại. Khi làm việc, các thanh điện trở được đốt nóng bởi điện cấp từ ắc quy, truyền nhiệt qua các tấm tản nhiệt ra không khí thổi qua két. Bên cạnh ưu điểm là có cấu tạo đơn giản thì phương  pháp sưởi nóng bằng các thanh điện trở cũng có rất nhiều nhược điểm như hiệu suất làm nóng thấp, mức tiêu thụ điện cao…Theo khảo sát thì khi hoạt động ở những khu vực có nhiệt độ cực thấp thì mức tiêu thụ điện dành cho hệ thống sưởi của một số xe thử nghiệm có thể lên tới 50% tổng mức tiêu thụ điện của xe. Điều này làm cho phạm vi hoạt động của xe bị rút ngắn đáng kể.

b.    Sưởi nóng theo nguyên lý bơm nhiệt: Về bản chất, nguyên lý bơm nhiệt không có gì xa lạ với chúng ta. Đây là nguyên lý vẫn đang được áp dụng ở hệ thống điều hòa không khí 2 chiều dùng trong gia đình.  Trên ô tô điện, “két sưởi” về bản chất là một loại dàn ngưng được đặt trong khoang  người ngồi (xin xem thêm ở phần dưới). Hệ thống sưởi nóng theo nguyên lý bơm nhiệt tuy có kết cấu phức tạp hơn nhưng lại có  hiệu suất nhiệt cao và từ đó, giảm mức tiêu thụ điện đáng kể so với sưởi nóng bằng các thanh điện trở.

Hoạt động của Hệ thống điều hòa không khí trên ô tô

Các bộ phận chính của hệ thống điều hòa không khí trên cả hai loại ô tô truyền thống và điện gồm:

-        Máy nén

-        Dàn ngưng

-        Van tiết lưu

-        Dàn bay hơi

-        Két sưởi

                                    Hình 1. Hệ thống điều hòa ô tô truyền thống

  ô tô truyền thống, các bộ phận chính của hệ thống điều hòa ô tô luôn giữ nguyên chức năng của nó. Trong Hình 1 cho thấy sơ đồ nguyên lý của hệ thống điều hòa ô tô thông truyền thống. Từ máy nén, ga lạnh được bơm ra ở trạng thái hơi, nóng, áp suất cao; khi đi qua dàn ngưng, ga lạnh được làm nguội   và ngưng tụ chuyển thành dạng lỏng. Từ dàn ngưng, ga lạnh dạng lỏng đi vào van tiết lưu; tại đây, áp suất của nó giảm đột ngột và do đó, xảy ra hiện tượng ga lạnh “sôi“ ở nhiệt độ thấp. Khi đi vào dàn bay hơi (dàn lạnh),  ga lạnh  bốc hơi mạnh, hút nhiệt của không khí thổi qua dàn và thổi ra các cửa gió. Sau khi đi qua dàn lạnh,  ga lạnh ở dạng hơi, lạnh, áp suất thấp  sẽ lại được hút về máy nén và cứ như thế tiếp tục  lặp lại chu trình như  vừa trình bày. Việc sưởi nóng không khí trong khoang người ngồi được thực hiện nhờ két sưởi sử dụng nhiệt năng cấp bởi  dung dịch làm mát động cơ xe.

Đối với ô tô điện trang bị sưởi nóng bằng thanh điện trở thì kết cấu, cách thức làm lạnh không khí tượng tự như ở ô tô truyền thống. Điều khác biệt ở đây là năng lượng cung cấp cho két sưởi, làm nóng không khí lấy từ điện ắc quy.

Khác với hai loại ô tô nêu ở trên, ở ô tô điện trang bị hệ thống điều hòa không khí bơm nhiệt (Hình 2), chức năng của một số bộ phận chính như dàn trao đổi nhiệt ngoài 1, dàn ngưng trong 4…không cố định mà thay đổi theo chế độ làm việc của nó. Ngoài ra, trong hệ thống này còn có  thêm một van tiết lưu 6 lắp trước dàn trao đổi nhiệt ngoài.


                    Hình 2. Hệ thống điều hòa ô tô điện theo nguyên lý bơm nhiệt

Ở chế độ làm lạnh, cách thức hoạt động của hệ thống giống như ở hệ thống điều hòa ô tô truyền thống. Ga lạnh dạng hơi, áp suất nhiệt độ cao được bơm từ máy nén 2 đi qua dàn ngưng trong 4, qua van điều khiển 10 (lắp song song với van tiết lưu 6) vào dàn trao đổi nhiệt ngoài 1 đặt tại đầu xe. Ở chế độ này, do cửa điều khiển nhiệt độ đóng, không có không khí thổi qua  nên dàn ngưng trong chỉ đóng vai trò như một bộ phận dẫn  ga lạnh. Tại dàn trao đổi nhiệt ngoài đặt tại đầu xe, ga lạnh dạng hơi truyền bớt nhiệt cho không khí thổi qua dàn, giảm nhiệt độ, ngưng tụ, chuyển sang dạng lỏng; Lúc này, dàn  trao đổi nhiệt ngoài đảm nhận chức năng là dàn ngưng giống như trên ô tô truyền thống.

Ở chế độ sưởi nóng, van điều khiển 11 đóng không cho ga lạnh đi vào dàn bay hơi (dàn lạnh) 5 đặt trong ca bin, cửa điều khiển nhiệt độ  mở, quạt ca bin thổi không khí đi qua dàn ngưng trong 4. Khi đi qua dàn ngưng trong, ga lạnh dạng hơi, nhiệt độ áp suất cao đến từ máy nén truyền nhiệt cho không  khí thổi qua dàn, giảm nhiệt độ, ngưng tụ và chuyển sang lỏng; Do có tác dụng làm nóng không khí nên lúc này, dàn ngưng trong đóng vai trò là một “két sưởi”. Sau khi qua dàn ngưng trong, do van điều khiển 10 đóng, ga lạnh dạng lỏng sẽ đi qua van tiết lưu 6 vào dàn trao đổi nhiệt ngoài đặt tại đầu xe; Tại đây, ga lạnh hút nhiệt từ không khí đi qua dàn,  hóa hơi; Khi đó, dàn trao đổi nhiệt ngoài  đảm nhận chức năng là một dàn bay hơi.

Dr. COOL

Hà nội, ngày 12 tháng 01 năm 2023

Ngõ 230 Lạc Trung, Hà Nội - Tel 024. 3987 3095/ 0983 656 612

Từ khóa: điện lạnh ô tô/ điều hòa ô tô không mát- không lạnh/ điều hòa ô tô có mùi hôi- mùi chua/ tiếng kêu điều hòa ô tô/ sửa chữa điều hòa ô tô/

Thứ Tư, 20 tháng 7, 2022

CÓ KIỂM TRA VAN ĐUÔI LỐC NÉN ĐIỀU HÒA Ô TÔ MỚI, CŨ THÁO RỜI Ở NGOÀI ĐƯỢC KHÔNG

Hỏi: Điều hòa ô tô của tôi kém lạnh  do van điện điều khiển ở lốc bị hỏng. Tôi đã mua trên mạng một van lốc nén mới cùng loại nhưng khi lắp và nạp ga thì vẫn như cũ, điều hòa vẫn kém lạnh. Thật bực mình vì mất tiền cho việc mua phải van lốc tồi, rồi lại mất thêm tiền tháo lắp, ga lạnh, dầu lạnh.... Xin hỏi Dr. COOL có cách gì để kiểm tra van điều khiển lốc nén điều hòa ô tô trước khi lắp vào lốc nén được không ?

Dr. COOL: Van điều khiển hay còn gọi là van chỉnh áp lốc nén được sử dụng cho các loại lốc nén có thể thay đối được hành trình piston/ dung tích công tác lắp ở hệ thống điều hòa ô tô. Trên thị trường quốc tế hiện nay có rất nhiều loại mẫu mã,chủng loại van và tùy theo xuất xứ, nhà sản xuất, chất lượng, độ khan hiếm, số lương mua ....giá cả của van chỉnh áp rất khác nhau, có thể dao động từ vài trăm nghìn cho tới vài triệu đồng.

Ở Việt Nam hiện nay chủ yếu là các loại van chỉnh áp giá rẻ được nhập khẩu không chính ngạch nên chất lượng van thường không được kiểm soát, tỷ lệ van có chất lượng kém khá cao. Vì vậy, trường hợp mua phải van chỉnh áp  mới chất lượng thấp như bạn trình bày không phải hiếm gặp.

Ngoài ra, trong thực tế có nhiều trường hợp điều hòa ô tô không lạnh là do  van chỉnh áp bị mạt kim loại, cặn dầu, chất bẩn... bịt các lỗ điều khiển, ta chỉ cần vệ sinh sạch là có thể dùng lại được, không cần thay mới.


Tuy nhiên, việc đánh giá tình trạng kỹ thuật van chỉnh áp tại hầu hết các cơ sở sửa chữa bảo dưỡng bảo dưỡng điều hòa chỉ có thể thực hiện  khi van đã được lắp ráp lên xe và nạp đủ ga lạnh. Trường hợp, gặp phải van  kém chất lượng thì người ta lại phải xả  ga lạnh, dầu lạnh, tháo lốc nén... để thay van khác  nên vô cùng tốn kém.

Để giúp cho các cơ sở cung cấp vật tư điện lạnh ô tô, cơ sở sửa chữa cũng như chủ xe có thể biết được chất lượng van chỉnh áp trước khi lắp lên xe,  xưởng MÁY LẠNH Ô TÔ DR. COOL đưa ra dịch vụ kiểm tra nhanh  van cơ, van điện mới/ cũ đang sử dụng  dùng cho các loại lốc nén thông dụng của Nhật Bản và Hàn quốc  như DENSO, DOOWON, HCC....

Dịch vụ này cho phép ta tiết kiệm thời gian, công sức tháo lắp, sửa chữa và cắt giảm đáng kể chi phí không cần thiết do phải nạp đi nạp lại ga lạnh, dầu lạnh. Chỉ trong vòng 5 phút đối với các loại van lốc điện và 10 phút đối với van lốc cơ, ta có thể biết được tình trạng kỹ thuật của van.

Dr. COOL

Thứ Ba, 4 tháng 5, 2021

“DẦU GẤU” VÀ ĐIỀU HÒA Ô TÔ

HỎI: Xin Dr. COOL cho biết “Dầu gấu” có dùng cho hệ thống điều hòa ô tô sử dụng ga  R134a  được không ?



Dr. COOL: Đây là một câu hỏi thường được nhiều người đặt ra cho chúng tôi. Dầu Polyol Ester (POE) mang thương hiệu EMKARATE là một trong số các loại dầu lạnh đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới. Vì trên vỏ hộp của loại dầu này có hình con gấu trắng nên ở Việt Nam ta thường được giới điện lạnh gọi với tên là “Dầu gấu”.  Trong thực tế, “Dầu gấu” Polyol Ester bán trên thị trường có nhiều loại với các độ nhớt khác nhau như Emkarate RL32, RL68, RL100….Tuy nhiên phổ biến nhất ở Việt Nam là loại RL68 có độ nhớt tại 40 °C là 68 cSt. Trong hình 2 cho thấy một số thông số kỹ thuật của loại dầu RL68.

Theo tài liệu kỹ thuật, dầu lạnh  POE có thể được dùng để  bôi trơn cho hệ thống điều hòa không khí sử dụng một trong số loại ga lạnh như: R134a, R12, R22, R417AM, R422A, R424A, R427A, R428A, R434A, R437A, R438A…. Ưu điểm nổi bật của dầu lạnh POE so với dầu lạnh PAG là dầu lạnh POE không ngậm nước/không hút ẩm (từ hơi nước có trong không khí).

Do ga lạnh sử dụng cho hệ thống điều hòa ô tô đời cũ trước đây là loại R12 và hiện nay là R134a đều thuộc danh sách vừa nêu ở trên nên về nguyên tắc,  Dầu gấu”  Emkarate RL 68H có thể dùng để bôi trơn trong hệ thống điều hòa ô tô. Ngoài ra, để không gây ảnh hưởng xấu đến độ cách điện, nhiều loại máy nén điện dùng trên ô tô cũng  thường sử dụng loại dầu POE.

Các thông tin chi tiết hơn về “Dầu gấu” RL68, bạn có thể tham khảo thêm bài viết tại:

http://www.maylanhotodrcool.com/2019/10/dau-lanh-emkarate-rl-68h-dau-gau-cho.html

Dr. COOL

 Hà nội, ngày 5 tháng 5 năm 2021

Ngõ 230 Lạc Trung, Hà Nội - Tel 04. 3987 3095/ 0913215979

 Từ khóa: điện lạnh ô tô/ điều hòa ô tô không mát- không lạnh/ điều hòa ô tô có mùi hôi- mùi chua/ tiếng kêu điều hòa ô tô/ sửa chữa điều hòa ô tô/

Thứ Năm, 15 tháng 4, 2021

ĐIỀU HÒA Ô TÔ MERCEDES LẠNH KÉM

HỎI: Điều hòa ô tô Mercedes C350 từ tết đến giờ  tự nhiên kém lạnh - buổi sáng và  tối thì lạnh còn ban ngày  thì nóng. Xin Dr. COOL cho biết nguyên nhân có phải do điện điều khiển yếu không?

Dr. COOL: Theo như bạn mô tả thì điều hòa ô tô Mercedes của bạn không bị mất lạnh hoàn toàn mà đang ở tình trạng kém lạnh. Trong trường hợp này, điện cấp đến lốc nén của xe về nguyên tắc hiện vẫn đang bình thường. Nguyên nhân điều hòa ô tô Mercedes của bạn kém lạnh có thể là do một hoặc một số nguyên nhau sau đây:



-        Dàn lạnh bẩn, bị đất bụi bám trên bề mặt;

-        Lọc gió ca bin cũ, nát, bẩn;

-        Thiếu nhiều ga lạnh;

-        Dàn ngưng bẩn, bị đất bụi bám trên bề mặt;

-        Hệ thống quạt giải nhiệt dàn ngưng không đảm bảo;

-        Lốc nén yếu, không đủ áp suất, lưu lượng;

-        ……

Để kiểm tra chính xác các lỗi liên quan đến lốc nén, ga lạnh của xe Mercedes ta có thể sử dụng phần mềm và/hoặc đồng hồ áp suất chuyên dùng.



Đối với trường hợp dàn lạnh, dàn ngưng bị bẩn do đất bụi, bạn có thể đưa xe đi bảo dưỡng vệ sinh. Từ năm 2012, xưởng MÁY LẠNH Ô TÔ Dr. COOL đã đưa công nghệ vệ sinh nội soi dàn lạnh vào phục vụ. Công nghệ này cho phép có thể làm sạch dàn lạnh, dàn ngưng mà không phải tháo lắp Tablo; không xả nạp ga lạnh,dầu lạnh và chủ xe có thể kiểm tra độ sạch của dàn sau khi vệ sinh….

     Riêng về lốc nén, kinh nghiệm thực tế tại xưởng MÁY LẠNH Ô TÔ Dr. COOL cho thấy, phần lớn (80%)  các lỗi liên quan đến lốc nén của xe Mercedes đều có thể sửa chữa, khắc phục, không nhất thiết phải thay mới.

Dr. COOL

 Hà nội, ngày 15 tháng 4 năm 2021

Ngõ 230 Lạc Trung, Hà Nội - Tel 04. 3987 3095/ 0913215979

Từ khóa: điện lạnh ô tô/ điều hòa ô tô không mát- không lạnh/ điều hòa ô tô có mùi hôi- mùi chua/ tiếng kêu điều hòa ô tô/ sửa chữa điều hòa ô tô/

Thứ Ba, 6 tháng 4, 2021

ĐIỀU HÒA Ô TÔ RANGE ROVER KHÔNG LẠNH

 HỎI: Tôi đang sử dụng xe Range Rover Evoque, độ một tuần nay điều hòa ô tô hoàn toàn không lạnh tý nào. Xin Dr. COOL cho biết nguyên nhân tại sao ?

Dr. COOL: Về kết cấu thì hệ thống điều hòa ô tô Range Rover Evoque có một số điểm khác so với các loại ô tô khác nhưng về nguyên lý làm việc thì  tất cả các loại điều hòa ô tô đang sử dụng ở Việt Nam đều tương tự như nhau. Khi phát hiện điều hòa ô tô Range Rover  của bạn không lạnh thì bạn cần sớm đưa xe đi kiểm tra, xử lý. Việc xử lý chậm có thể làm cho xe đang bị hư hỏng nhẹ thành hư hỏng nặng hơn và có thể làm tăng chi phí, thời gian sửa chữa. 


     Khi xe mất lạnh hoàn toàn thì một trong số các nguyên nhân có thể là:

-        - Hỏng hệ thống điện điều khiển;

-        - Trục trặc ở hệ thống điều khiển các cửa chia gió;

-        - Hỏng điều khiển sưởi;

-        - Thủng, rò rỉ gây mất ga lạnh;

-        - Lốc nén tụt áp, không đủ lưu lượng làm mát;

-        - ……..

     Để kiểm tra các nguyên nhân về điện ta cần trang bị đồng hồ điện vạn năng và/ hoặc phần mềm chuyên dụng của xe Range Rover; để kiểm tra các lỗi liên quan đến lốc nén, ga lạnh ta có thể sử dụng loại đồng hồ kiểm tra áp suất chuyên dùng.

     Kinh nghiệm thực tế cho thấy, phần lớn  các trường hợp xe Range Rover Evoque hỏng lốc nén (khoảng 70%) đều có thể sửa chữa, khắc phục, không nhất thiết phải thay mới.

Dr. COOL

 

Hà nội, ngày 05 tháng 04 năm 2021

Ngõ 230 Lạc Trung, Hà Nội - Tel 04. 3987 3095/ 0913215979

 Từ khóa: điện lạnh ô tô/ điều hòa ô tô không mát- không lạnh/ điều hòa ô tô có mùi hôi- mùi chua/ tiếng kêu điều hòa ô tô/ sửa chữa điều hòa ô tô/

Thứ Năm, 10 tháng 12, 2020

ĐIỀU HÒA Ô TÔ MERCEDES E-, C-, S- CLASS: BỘ TRAO ĐỔI NHIỆT BÊN TRONG

 Hỏi: Ở các  ô tô tôi đã sử dụng trước đây, các đường ống cao áp và hạ áp của hệ thống điều hòa không khí  nối giữa lốc nén và van tiết lưu dàn lạnh là 2 ống độc lập, riêng biệt ; tuy nhiện, ở xe ô tô Mercedes sản xuất gần đây,  tôi lại thấy 2 ống này được ghép chung với nhau một đoạn dài, trước khi tách thành 2 ống riêng nối với van tiết lưu dàn lạnh.  Xin Dr COOL cho biết về kết cấu này.

Dr COOL:   Về nguyên tắc, để đạt hiệu suất lạnh cao và đảm bảo độ bền cho lốc nén (máy nén) thì ga lạnh  khi  vào van tiết lưu phải hoàn toàn ở dạng lỏng  và khi đi vào lốc nén phải hoàn toàn ở dạng hơi.

      Đối với hệ thống điều hòa ô tô nói chung, việc làm ga lạnh chuyển từ dạng hơi sang  dạng lỏng do dàn ngưng đảm nhận. Tuy nhiên, trong thực tế,  vì nhiều nguyên nhân khác nhau, vẫn còn một phần không nhỏ ga lạnh  ở dạng hơi sau khi đi qua dàn ngưng và còn một lượng nhỏ ga lạnh ở dạng lỏng sau khi đi qua dàn lạnh được hút về lốc nén.

      Để đảm bảo được yêu cầu ga lạnh hoàn toàn ở dạng lỏng trước khi đi vào van tiết lưu và ở dạng hơi trước khi được hút vào lốc nén, gần đây, nhiều hãng ô tô đã thiết kế và trang bị cho một số loại xe,  hệ thống điều hòa không khí có thêm „Bộ trao đổi nhiệt bên trong“ ( tiếng Đức là „innerer Waermeaustauscher „).

      Bộ trao đổi nhiệt bên trong dựa trên nguyên tắc: tận dụng nhiệt độ cao của ga lạnh trong đường cao áp để làm nóng và hỗ trợ sự bay hơi của ga lạnh trong đường hạ áp- trước khi được hút về lốc nén;  tận dụng ga lạnh có nhiệt độ thấp trong đường hạ áp để làm mát và hỗ trợ quá trình ngưng tụ ga lạnh trong đường cao áp- trước khi đi vào van tiết lưu.

      Phần  ống cao áp và hạ áp được ghép chung thành một đoạn dài trước khi tách thành 2 ống riêng  đi vào dàn lạnh mà bạn thấy trên xe Mercedes chính là bộ trao đổi nhiệt bên trong của hệ thống điều hòa ô tô (hình 1).

   Hình 1. Bộ trao đổi nhiệt bên trong điều hòa ô tô Mercedes E300

      Thử nghiệm xe trang bị hệ thống điều hòa ô tô khác nhau cho thấy: tùy theo điều kiện làm việc, hiệu suất làm lạnh của xe lắp hệ thống điều hòa ô tô có bộ trao đổi nhiệt  bên trong tăng thêm từ  4 % đến 23%  so với xe lắp hệ thống điều hòa ô tô không có bộ trao đổi nhiệt.  Do hiệu suất làm lạnh tăng, mức tiêu thụ nhiên liệu của xe ô tô trang bị hệ thống điều hòa ô tô có bộ trao đổi nhiệt bên trong cũng thấp hơn  so với xe lắp hệ thống điều hòa ô tô không có bộ trao đổi nhiệt.  Ngoài ra như trên đã trình bầy, ở xe ô tô trang bị hệ thống điều hòa  có bộ trao đổi nhiệt bên trong, ga lạnh hút về lốc nén sẽ hoàn toàn ở dạng hơi nên  về nguyên tắc, tuổi thọ của lốc nén cũng sẽ được kéo dài hơn so với hệ thống điều hòa ô tô thông thường.

      Do các tính năng ưu việt, bộ trao đổi nhiệt bên trong vừa trình bầy  không chỉ được sử dụng trên các xe ô tô đắt tiền như Mercedes C-Class ( C200, C250, C300, …), E- Class ( E200, E250, E300…), S-Class (S350, S500, S550, S600…), ô tô Audi ( ví dụ Audi A4 ) mà còn được thấy trên nhiều loại xe rẻ tiền cỡ nhỏ khác như Ford Ecosport, Hyundai Grand i10.... . Hiện nay, bộ trao đổi nhiệt bên trong  còn  được sử dụng rộng rãi ở hệ thống điều hòa ô tô sử dụng ga lạnh R1234yf  (loại ga lạnh thay thế cho R134a).

Dr. COOL

Hà nội, ngày 10  tháng 12  năm 2020

26 ngõ 230 Lạc Trung, Hà Nội - Tel 04. 3987 3095/ 0913215979

 Từ khóa: điện lạnh ô tô/ điều hòa ô tô không mát- không lạnh/ điều hòa ô tô có mùi hôi- mùi chua/ tiếng kêu điều hòa ô tô/ sửa chữa điều hòa ô tô/