Thứ Năm, 10 tháng 12, 2020

ĐIỀU HÒA Ô TÔ MERCEDES E-, C-, S- CLASS: BỘ TRAO ĐỔI NHIỆT BÊN TRONG

 Hỏi: Ở các  ô tô tôi đã sử dụng trước đây, các đường ống cao áp và hạ áp của hệ thống điều hòa không khí  nối giữa lốc nén và van tiết lưu dàn lạnh là 2 ống độc lập, riêng biệt ; tuy nhiện, ở xe ô tô Mercedes sản xuất gần đây,  tôi lại thấy 2 ống này được ghép chung với nhau một đoạn dài, trước khi tách thành 2 ống riêng nối với van tiết lưu dàn lạnh.  Xin Dr COOL cho biết về kết cấu này.

Dr COOL:   Về nguyên tắc, để đạt hiệu suất lạnh cao và đảm bảo độ bền cho lốc nén (máy nén) thì ga lạnh  khi  vào van tiết lưu phải hoàn toàn ở dạng lỏng  và khi đi vào lốc nén phải hoàn toàn ở dạng hơi.

      Đối với hệ thống điều hòa ô tô nói chung, việc làm ga lạnh chuyển từ dạng hơi sang  dạng lỏng do dàn ngưng đảm nhận. Tuy nhiên, trong thực tế,  vì nhiều nguyên nhân khác nhau, vẫn còn một phần không nhỏ ga lạnh  ở dạng hơi sau khi đi qua dàn ngưng và còn một lượng nhỏ ga lạnh ở dạng lỏng sau khi đi qua dàn lạnh được hút về lốc nén.

      Để đảm bảo được yêu cầu ga lạnh hoàn toàn ở dạng lỏng trước khi đi vào van tiết lưu và ở dạng hơi trước khi được hút vào lốc nén, gần đây, nhiều hãng ô tô đã thiết kế và trang bị cho một số loại xe,  hệ thống điều hòa không khí có thêm „Bộ trao đổi nhiệt bên trong“ ( tiếng Đức là „innerer Waermeaustauscher „).

      Bộ trao đổi nhiệt bên trong dựa trên nguyên tắc: tận dụng nhiệt độ cao của ga lạnh trong đường cao áp để làm nóng và hỗ trợ sự bay hơi của ga lạnh trong đường hạ áp- trước khi được hút về lốc nén;  tận dụng ga lạnh có nhiệt độ thấp trong đường hạ áp để làm mát và hỗ trợ quá trình ngưng tụ ga lạnh trong đường cao áp- trước khi đi vào van tiết lưu.

      Phần  ống cao áp và hạ áp được ghép chung thành một đoạn dài trước khi tách thành 2 ống riêng  đi vào dàn lạnh mà bạn thấy trên xe Mercedes chính là bộ trao đổi nhiệt bên trong của hệ thống điều hòa ô tô (hình 1).

   Hình 1. Bộ trao đổi nhiệt bên trong điều hòa ô tô Mercedes E300

      Thử nghiệm xe trang bị hệ thống điều hòa ô tô khác nhau cho thấy: tùy theo điều kiện làm việc, hiệu suất làm lạnh của xe lắp hệ thống điều hòa ô tô có bộ trao đổi nhiệt  bên trong tăng thêm từ  4 % đến 23%  so với xe lắp hệ thống điều hòa ô tô không có bộ trao đổi nhiệt.  Do hiệu suất làm lạnh tăng, mức tiêu thụ nhiên liệu của xe ô tô trang bị hệ thống điều hòa ô tô có bộ trao đổi nhiệt bên trong cũng thấp hơn  so với xe lắp hệ thống điều hòa ô tô không có bộ trao đổi nhiệt.  Ngoài ra như trên đã trình bầy, ở xe ô tô trang bị hệ thống điều hòa  có bộ trao đổi nhiệt bên trong, ga lạnh hút về lốc nén sẽ hoàn toàn ở dạng hơi nên  về nguyên tắc, tuổi thọ của lốc nén cũng sẽ được kéo dài hơn so với hệ thống điều hòa ô tô thông thường.

      Do các tính năng ưu việt, bộ trao đổi nhiệt bên trong vừa trình bầy  không chỉ được sử dụng trên các xe ô tô đắt tiền như Mercedes C-Class ( C200, C250, C300, …), E- Class ( E200, E250, E300…), S-Class (S350, S500, S550, S600…), ô tô Audi ( ví dụ Audi A4 ) mà còn được thấy trên nhiều loại xe rẻ tiền cỡ nhỏ khác như Ford Ecosport, Hyundai Grand i10.... . Hiện nay, bộ trao đổi nhiệt bên trong  còn  được sử dụng rộng rãi ở hệ thống điều hòa ô tô sử dụng ga lạnh R1234yf  (loại ga lạnh thay thế cho R134a).

Dr. COOL

Hà nội, ngày 10  tháng 12  năm 2020

26 ngõ 230 Lạc Trung, Hà Nội - Tel 04. 3987 3095/ 0913215979

 Từ khóa: điện lạnh ô tô/ điều hòa ô tô không mát- không lạnh/ điều hòa ô tô có mùi hôi- mùi chua/ tiếng kêu điều hòa ô tô/ sửa chữa điều hòa ô tô/

Thứ Hai, 9 tháng 11, 2020

KIỂM TRA LOẠI DẦU LẠNH ĐANG CÓ TRÊN XE NHƯ THẾ NÀO?

 Hỏi: Có thể sử dụng các bộ kit thử  “ PAG OIL CHECKER” và “POE OIL CHECKER” để kiểm tra loại dầu lạnh đang có trên xe được không và cách thử như thế nào?

Thứ Sáu, 9 tháng 10, 2020

TRỜI LẠNH, ĐIỀU HÒA Ô TÔ KHÔNG LẠNH

 Hỏi: Xe của tôi trang bị điều hòa tự động điều chỉnh nhiệt độ; tôi có thói quen luôn đặt nhiệt độ trong xe là 24° C. Không hiểu tại sao, mấy hôm trời lạnh, cứ vừa bật điều hòa thì thấy thổi ra toàn gió nóng và  phải chỉnh xuống nhiệt độ thấp ( ví dụ 17 ° C hoặc “ LOW”) thì mới có gió lạnh thổi ra. Xin Dr. COOL  cho biết nguyên nhân tại sao và  cần sửa chữa gì không?

Dr. COOL: Câu hỏi này được khá nhiều người điều khiển ô tô đưa ra .  Để giải đáp câu hỏi của bạn, trước tiên ta cần phải biết về sự khác nhau giữa hệ thống sưởi của hệ thống điều hòa ô tô và điều hòa không khí gia đình:
          hệ thống điều hòa không khí nói chung, khi không khí được quạt gió thổi qua  dàn ngưng  thì nó sẽ nhận nhiệt được truyền từ các lá tản nhiệt của dàn ngưng và được sấy nóng lên; ngược lại, khi không khí  được  thổi qua  dàn lạnh   thì  nó sẽ bị các lá tản nhiệt của dàn lạnh  lấy bớt nhiệt năng và sẽ lạnh đi.

         Đối với hệ thống điều hòa không khí gia đình,  việc làm lạnh hay làm nóng không khí được thực hiện theo nguyên lý vừa trình bày. Ở hệ thống điều hòa “hai cục”, thì tùy theo chế độ làm việc được lựa chọn, hệ thống van lắp trên các đường ống sẽ đóng mở điều khiển hai cục có lúc  thì đóng vai trò là dàn lạnh  -  “cục lạnh“, có lúc chuyển sang vai trò là  dàn ngưng - “cục nóng;  ví dụ:  khi chọn chế  độ sưởi thì dàn trao đổi nhiệt  đặt bên trong phòng sẽ đóng vai trò là “cục nóng” và có tác dụng làm nóng không khí khi đi qua nó.

 


Hình 1.  Sơ đồ nguyên lý của hệ thống điều khiển nhiệt độ không khí tự động trên ô tô

       Ở hệ thống điều hòa ô tô thì lại hoàn toàn khác, dàn trao đổi nhiệt đặt trong ca bin - không có khả năng thay đổi tính năng như điều hòa không khí gia đình và nó chỉ có một chức năng duy nhất là dàn làm lạnh. Để làm nóng không khí trong ca bin thì người ta phải điều khiển sao cho một phần hoặc toàn bộ luồng không khí sau khi đi qua dàn lạnh  sẽ tiếp tục đi qua két sưởi; nhiệt năng cấp cho két sưởi được lấy từ  nguồn nhiệt do nước làm mát động cơ cung cấp. Trong Hình 14.6 cho ta thấy sơ đồ nguyên lý của  hệ thống điều khiển nhiệt độ không khí tự động trên ô tô. Việc phân chia luồng không khí được thực hiện bởi  cửa điều khiển nhiệt độ; Thay đổi độ mở của cửa sẽ làm thay đổi lượng không khí đi qua két sưởi và làm thay đổi nhiệt độ không khí thổi ra các cửa gió. Ở hệ thống điều hòa ô tô điều khiển tự động, bộ điều khiển điện tử sẽ căn cứ vào các thông tin như nhiệt độ chỉnh đặt, nhiệt độ trong ca bin… để  thay đổi độ đóng mở của cửa điều khiển nhiệt độ  thông qua một mô tơ điện được kết nối với trục xoay của cửa. Tại đây khi bật điều hòa ô tô sẽ xảy ra 2 trường hợp:

a-     Khi nhiệt độ trong ca bin cao hơn nhiệt độ chỉnh đặt: 

      Bộ điều khiển điện tử sẽ điều khiển mô tơ điện đóng cửa điều khiển nhiệt độ lại để luồng  không khí sau khi đi qua dàn lạnh  không đi qua két sưởi mà ra thẳng các cửa gió. Trong trường hợp này, ta sẽ thấy gió thổi ra ở các cửa là gió lạnh.

b-     Khi nhiệt độ trong ca bin thấp hơn nhiệt độ chỉnh đặt

      Tùy theo  mức độ chênh lệch giữa nhiệt độ trong ca bin so với nhiệt độ chỉnh đặt, bộ điều khiển điện tử sẽ điều khiển mô tơ điện mở cửa điều khiển nhiệt độ sao cho một phần hoặc toàn bộ không khí  sau khi  qua dàn lạnh  sẽ  đi  qua két sưởi  rồi mới  ra các cửa gió và dần dần làm cho nhiệt độ trong ca bin tăng lên tới nhiệt độ chỉnh đặt.  Trong trường hợp này, ta sẽ thấy gió thổi ra ở các cửa là gió nóng.

      Nếu đặt nhiệt độ trong ca bin là 24 ºC thì trong những ngày nóng, nhiệt độ không khí trong ca bin  khi vừa  bật điều hòa không khí thường cao hơn so với nhiệt độ đã chỉnh đặt (trường hợp a) và vì vậy, bộ điều khiển điện tử sẽ điều khiển để gió  thổi ra các cửa là gió lạnh nhằm làm giảm  nhiệt độ không khí trong ca bin xuống tới nhiệt độ chỉnh đặt.  Ngược lại vào những ngày lạnh như nêu trong câu hỏi, nhiệt độ trong ca bin  khi vừa  bật điều hòa không khí thường thấp hơn so với nhiệt độ đã chỉnh đặt (trường hợp b) và vì vậy, bộ điều khiển điện tử sẽ điều khiển để gió thổi ra  các cửa là gió nóng, nhằm nâng  nhiệt độ không khí trong ca bin lên tới nhiệt độ chỉnh đặt.

      Tóm lại, hiện tượng gió nóng thổi ra ở các cửa vào những hôm trời lạnh như nêu trong câu hỏi của bạn là hoàn toàn bình thường.

Dr COOL

Hà nội, ngày 10  tháng  10 năm 2020

26 ngõ 230 Lạc Trung, Hà Nội - Tel 04. 3987 3095/ 0913215979

 Từ khóa: điện lạnh ô tô/ điều hòa ô tô không mát- không lạnh/ điều hòa ô tô có mùi hôi- mùi chua/ tiếng kêu điều hòa ô tô/ sửa chữa điều hòa

Thứ Ba, 22 tháng 9, 2020

DUNG DỊCH TỰ LÀM KÍN CHỖ RÒ RỈ Ở HỆ THỐNG LÀM MÁT ĐỘNG CƠ Ô TÔ – RADIATOR STOP LEAK

 Hỏi: Xe của tôi gần đây bị hao nước, cứ 3-4 tuần lại phải đổ thêm một ít nước làm mát, thợ garage nói xe bị hở ở  két làm mát, cần phải thay két mới. Kiểm tra lại tôi thấy, mặt két có một chỗ khoảng  3-4 cm2 bị ẩm, bám đất bụi và dung dịch màu đỏ. Xin hỏi Dr. COOL, có cách gì làm kín chỗ hở này mà không phải thay két làm mát mới hay không ?

Thứ Năm, 9 tháng 1, 2020

ĐIỀU HÒA Ô TÔ: DẦU LẠNH ZEP OIL CÓ MÀU XANH LÁ?


Hỏi: Trước đây, đưa xe đi bảo dưỡng máy lạnh, thợ thường nạp thêm cho xe dầu lạnh không màu, trong suốt. Vừa rồi, cũng tại đây, lại thấy dùng loại dầu lạnh ZEP OIL có màu xanh lá.  Gặng hỏi thì họ nói: đây là loại dầu lạnh mới, tốt hơn loại không màu, trong suốt trước đây ! Xin Dr. COOL cho biết, có đúng như vậy không?