VỀ THÔNG TIN NGUY
CƠ GÂY UNG THƯ TỪ ĐIỀU HÒA Ô TÔ ?
Vừa qua trên một số báo và thông tin
điện tử Việt Nam có đăng tải hàng chục bài viết về cái gọi là “ nguy cơ gây ung
thư do điều hòa ô tô” với nhiều tiêu đề khác nhau như: Cảnh giác nguy cơ gây
ung thư vì điều hòa ô tô (VnMedia); Hiểu
rõ nguy cơ ung thư vì điều hòa ô tô ( autofun.net );….có nội dung như sau:
“ Tại sao trong
cuốn Hướng dẫn sử dụng xe luôn cho biết phải mở các cửa sổ để đẩy tất cả không
khí nóng ra trước khi bật điều hòa? Phần đông người ta vào xe của họ, điều đầu
tiên là vào buổi sáng, và điều cuối cùng vào ban đêm, 7 ngày một tuần. Và hễ cứ
ngồi vào xe là họ khởi động và bật điều hòa.
Đây là sai lầm nghiêm trọng. Nên nhớ đừng bật điều hòa ngay sau khi
bạn mới vào xe hơi mà việc đầu tiên khi bước vào xe là mở cửa sổ và sau đó một
vài phút mới bật điều hòa lên.
Vì sao phải vậy ? Theo nghiên cứu, bảng đặt các đồng
hồ đo tốc độ, mức dầu mỡ... ở phía trước xe,
chỗ ngồi, ống dẫn khí lạnh, tức là tất cả các đồ làm
bằng nhựa trong xe của bạn sẽ phát ra Benzen, một chất gây ung thư mạnh nhất.
Không chỉ gây ra ung thư, chất Benzen độc hại cho xương, gây thiếu máu và làm
giảm các tế bào máu trắng. Tiếp xúc lâu dài có thể gây ra bệnh bạch cầu và làm
tăng nguy cơ một số bệnh ung thư. Nó cũng có thể làm sẩy thai ở phụ nữ đang
mang thai.
Được biết, độ Benzen trong nhà "được cho
phép" là: 50mg mỗi sq.ft (tương đương 4,65 m2). Tuy nhiên một chiếc xe đậu
trong nhà, với các cửa sổ đóng, sẽ chứa 400-800 mg Benzen, gấp 8 lần so với mức
cho phép.
Nếu đậu dưới ánh mặt trời, ở nhiệt độ trên 60 độ F,
mức Benzen sẽ lên đến 2.000-4.000 mg, gấp 40 lần so với ngưỡng an toàn. Vì thế,
người bước vào xe khi các cửa sổ khép kín sẽ hít phải quá nhiều lượng độc tố
Benzen.
Vì vậy, để tránh nguy cơ ung thư từ chiếc xe hơi yêu quý, hãy mở cửa
kính để xe thông thoáng, xua tan những khí độc trước khi bật điều hòa.”
Nội
dung trong các bài viết này đã làm cho không ít người sử dụng xe ô tô ở Việt Nam lo lắng.
Qua tìm hiểu được biết bài viết nêu ở trên được tác giả tham khảo từ một thông tin trên mạng Internet có xuất xứ từ Mỹ.
Để giúp bạn đọc và người sử dụng xe
ô tô Việt Nam hiểu đúng thực chất và đầy đủ hơn về vấn đề này, chúng tôi xin
trích đăng bài viết với tiêu đề “ Ô tô của bạn đang giết bạn bằng chất Benzen ?
” của Ted Gansler, Giám đốc các vấn đề về
y học của Hiệp hội ung thư Mỹ , được đăng chính thức trên trang thông tin điện tử của Hiệp hội ung thư Mỹ trả lời về chính nội
dung nêu ở trên.
Ô tô của bạn đang giết bạn bằng chất Benzen ?
Gần đây có thể bạn nhận được E-mail
nói về các giới hạn nguy hiểm của hóa chất gây ung thư ( Benzen ) phát thải từ bề mặt các bộ
phận nội thất làm bằng
nhựa trong xe ô tô. Trong E-mail cũng khuyến cáo sự
cần thiết phải mở các cửa sổ xe nhằm loại bỏ Benzen trước khi bật điều hòa ô
tô.
Mặc dù khí Benzen là một trong những nguyên nhân
dẫn đến bệnh ung thư máu ( bệnh máu trắng ), nhưng đến nay, có rất ít nghiên cứu
đề cập đến việc bề mặt các bộ phận nội
thất trong xe ô tô phát thải ra chất Benzen nguy hiểm.
Thông tin dưới đây sẽ giúp bạn hiểu rõ sự thực về
các vấn đề nêu trong E-mail.
Thắc mắc:
Sách hướng dẫn sử dụng xe của tôi nhấn mạnh rằng cần phải hạ cửa kính xe xuống
để đẩy toàn bộ khí nóng trong xe ra trước khi bật điều hòa xe. Tại sao lại như
vậy?
Trả lời:
Vào những ngày nắng nóng, nhiệt độ trong xe đỗ ngoài trời có thể lên đến hơn 40
độ C, cao hơn nhiệt độ bên ngoài. Mở cửa sổ là cách nhanh nhất để khí nóng bên
trong xe thoát ra ngoài và không khí mát hơn ở bên ngoài vào được bên trong xe.
Sau đó, bật điều hòa lên sẽ làm bên trong xe mát hơn bên ngoài xe. Hướng dẫn
trên thực sự nhắm đến việc tạo sự thoải mái cho người lái hơn là quan tâm đến
khí độc.
Thắc mắc:
Hiện nay có nhiều người chết vì bệnh ung thư hơn trước đây có phải vì lí do nêu
trong E-mail?
Trả lời:
Thực tế, tỷ lệ chết vì ung thư theo lứa tuổi ở Mỹ đã giảm trong 2 thập kỉ qua.
Thắc mắc: Không bật điều
hòa ngay khi vừa vào trong xe. Mở cửa sổ sau khi vào trong xe và bật điều hòa
sau đó một số phút. Theo nghiên cứu, bảng tablo, ghế ngồi, ống dẫn khí điều hòa,
tức là tất cả các đồ làm bằng nhựa trong xe của bạn sẽ phát thải ra Benzen - chất độc gây bệnh ung thư. Việc tiếp
xúc lâu dài có thể sẽ gây ra bệnh ung thư máu và làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh
ung thư khác.
Trả lời: Benzen được biết tới là một trong những tác
nhân gây bệnh ung thư, dựa trên cơ sở các nghiên cứu trên người và súc vật. Mối
liên quan giữa Benzen và bệnh ung thư chủ yếu tập trung vào bệnh máu trắng và các
bệnh ung thư khác liên quan đến tế bào máu. Tỷ lệ bạch cầu, cụ thể là bệnh bạch
cầu ác tính (AML), được phát hiện nhiều nhất trong các nghiên cứu trên những
người làm việc ở nơi có hàm lượng khí Benzen cao, ví dụ như ngành hóa chất,
đóng giày và lọc hóa dầu.
Một
số nghiên cứu cũng cho thấy mối liên hệ giữa bệnh ung thư máu tế bào lympho
(ALL) ở trẻ em, bệnh ung thư máu mãn tính (CLL) và các bệnh ung thư liên quan đến
tế bào máu ở người lớn. Tuy nhiên, các bằng chứng này chưa đủ thuyết phục.
Một
nghiên cứu của Đức công bố vào năm 2007, nghiên cứu về không khí bên trong những chiếc
xe ô tô đang đỗ, đã không tìm thấy mối
nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Kết quả phân tích cho thấy một vài loại
hóa chất gây bệnh ung thư và một số chất khác được coi là những chất có thể gây
ung thư. Tuy nhiên đây lại là các chất
cũng được tìm thấy trong các tòa nhà. Một vài hóa chất trong đó tương tự như
khí Benzen được tìm ra, nhưng Benzen thì lại không thấy có trong kết quả của nghiên cứu này.
Thắc mắc: Được biết, mức độ
Benzen trong nhà được cho phép là: 50mg mỗi feet vuông (tương đương 4,65 m2). Tuy
nhiên một chiếc xe đậu trong nhà, với các cửa sổ đóng, sẽ chứa 400-800 mg Benzen,
gấp 8 lần so với mức cho phép. Nếu đậu dưới ánh mặt trời, ở nhiệt độ trên 60 độ
F, mức Benzen sẽ lên đến 2.000-4.000 mg, gấp 40 lần so với ngưỡng an toàn. Vì
thế, người bước vào xe khi các cửa sổ khép kín sẽ hít phải quá nhiều lượng độc
tố Benzen. Vì vậy, để tránh nguy cơ ung thư từ xe ô tô, hãy hạ cửa kính để xe
thông thoáng, xua tan những khí độc trước khi bật điều hòa.
Trả lời: Theo tiêu chuẩn
thì các báo cáo về mức độ hóa chất cho phép trong không khí phải được đo bằng
đơn vị khối lượng chia cho thể tích (ví dụ như mg trên mỗi mét khối, feet khối),
chứ không phải theo đơn vị diện tích (ví dụ mg trên mét vuông, feet vuông). Mặc
dù đây là chỉ là chi tiết về kỹ thuật, nhưng có thể thấy rằng tác giả của
E-mail nêu trên có hiểu biết giới hạn về các nguyên tắc khoa học cơ bản liên
quan đến lĩnh vực này.
Hơn
nữa, ở Mỹ không đưa ra bất cứ quy định cụ thể nào về hàm lượng cho phép đối với
chất Benzen. Viện Sức khỏe và An toàn lao động quốc gia (NIOSH) có đưa ra một mức
giới hạn khí phát thải trong thời gian ngắn (15 phút) tại nơi làm việc là 3,2
mg/mét khối và mức trung bình là 0,32 mg/mét khối. Do đó, hàm lượng Benzen
trong E-mail nêu trên (sau khi quy đổi ra mg/mét khối) vẫn thuộc mức độ chấp nhận
được theo tiêu chuẩn của NIOSH.
Một
nghiên cứu của Đức cũng phản bác lại nội dung nêu trong câu hỏi ở trên. Nghiên
cứu này dựa trên việc đo hàm lượng một số loại chất hóa học dạng khí có trong một
nhóm xe ô tô mới và xe ô tô đã qua sử dụng đỗ dưới ánh nắng mặt trời. Hàm lượng
chất hóa học đo được ở xe mới cao hơn xe đã qua sử dụng, nhưng hàm lượng Benzen
đo được vẫn chỉ bằng 1/10 hàm lượng nêu trong câu hỏi ở trên ( Benzen chỉ là một
trong số 40 loại khí hóa học được đo trong nghiên cứu này).
Một
vài nghiên cứu khác từ Đức, Hàn Quốc và Mỹ cũng tập trung vào lượng Benzen
trong xe ô tô đang chạy trên đường. Hàm lượng đo được trong khoảng từ 0,013 tới 0,560 mg/mét khối. Hàm lượng cao
trong các báo cáo này vượt mức giới hạn phát thải của NIOSH, mặc dù theo nghiên
cứu ở Mỹ, mức độ cao nhất (0,045 mg/mét khối) đo được trong xe ô tô được các
nhà nghiên cứu đánh giá là không gây ảnh hưởng.
Kết luận
Theo Hiệp hội ung thư Mỹ (đăng tải trên website
chính thức của Hiệp hội), hiện chưa có nghiên cứu nào được công bố khẳng định
nguy cơ từ khí Benzen trong ô tô gây ảnh
hưởng xấu đến sức khỏe như đã được nêu trong E-mail. Trong một vài xe ô tô đang
chạy trên đường, mức phát thải Benzen vượt
quá mức cho phép quy định cho nơi làm việc;
Tuy nhiên, điều này này lại không xảy ra
đối với những xe được bảo dưỡng tốt.
Trường hợp, bạn vẫn lo lắng về mức Benzen trong
xe ô tô đang chạy trên đường thì bạn có thể thỉnh thoảng mở cửa sổ xe hoặc chuyển
điều hòa ô tô sang chế độ lấy khí từ bên ngoài.
Ted Gansler
Tài liệu trích dẫn:
http://vnmedia.vn/VN/oto-xe-may/tu-van/458_1339119/canh_giac_nguy_co_ung_thu_vi_dieu_hoa_o_to.htm
( Bài viết này đã được đăng tại Tạp chí Đăng kiểm Việt Nam số 7/ 2014, tr. 47-48 )
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét